Skip to content

Những điều chưa biết sau sân cỏ nhân tạo

Trong vòng năm năm trở lại đây, sân cỏ nhân tạo phát triển rầm rộ về chiều rộng lẫn chiều sâu, số lượng tăng khủng. Chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo đang trở thành “mốt” cho dân chơi thể thao bình dân.

Những điều chưa biết sau sân cỏ nhân tạo

Phá quán nhậu làm sân cỏ nhân tạo

Theo thống kê của LĐBĐ TP.HCM, hiện nay toàn TP có 500 đến 700 sân cỏ nhân tạo nhiều kích cỡ nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là sân năm người có kích thước trên dưới 25 m x 45 m.

Có rất nhiều nơi kinh doanh sân cỏ nhân tạo đưa ra những phương châm rất… tiến bộ, chẳng hạn như “Xóa quán nhậu, làm sân bóng”, “Bỏ đi nhậu, đi chơi bóng”…

Điển hình cho phương châm này là cụm sân trên đường Đào Duy Anh. Trước đó tại cụm sân này, ngoài sân bóng còn có một quán nhậu phía trên lầu, sau đó chủ quán quyết định dỡ bỏ quán nhậu (dù lợi nhuận mang lại cao hơn sân bóng) để làm tiếp một sân cỏ nhân tạo ngay trên tầng lầu một, xung quanh có lưới bảo vệ kiên cố. Kinh doanh sân cỏ nhân tạo lành mạnh hơn nhiều. Mọi người đến đó thi thố, cải thiện sức khỏe thay vì nhậu nhẹt, rượu vào lời ra có khi dẫn đến đâm chém nhau, chủ quán liên đới  đến vấn đề pháp luật rất nặng.

Thực trạng của việc kinh doanh lời nhanh, vốn ít

Trò chuyện với chúng tôi, BS Dương Phong Nghi, đại diện BV Parkway Singapore tại TP.HCM, chuyên về chấn thương trong thể thao, nói: “Hầu hết cầu thủ chơi bóng phong trào trên sân cỏ nhân tạo đều ít được tư vấn về loại giày đá phù hợp. Vì là phong trào nên khi vào đá là đá ngay, ít chịu khởi động nên dễ dẫn đến chấn thương. Mặt khác, tôi thấy sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM hầu như chất lượng mặt sân bị thả nổi, rất cứng, cứng như bê tông nên chơi hoài dẫn đến có vấn đề nghiêm trọng về gối là điều dễ hiểu. Khi đã bị chấn thương gối thì không chỉ không thể chơi bất kỳ môn thể thao nào được nữa mà còn rất khó khăn trong sinh hoạt, làm việc hằng ngày”.

Sân cỏ nhân tạo có những quy định nghiêm ngặt rất riêng và phải đủ chuẩn theo FIFA. 

Thực tế sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM cho thấy sân có “độ tuổi” cao nhất là tám năm. Thời gian đầu, cụ thể là vài ba tháng đầu, việc vệ sinh sân bãi theo định kỳ (2 lần/tháng) được chủ sân quan tâm đúng mực nhưng sau đó bị thả nổi hết cỡ để giảm giá thành, mau gỡ vốn đầu tư.

Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới nên việc hạt cao su được rải lên mặt sân nếu không có vệ sinh định kỳ bằng việc dùng chổi nhựa tổng hợp PA quét nhẹ hoặc thiết bị chuyên dụng “chải” hạt cao su khiến lâu ngày chúng kết dính lại do thời tiết nắng nóng. Việc kết tinh các hạt cao su cùng bụi bẩn, rác mịn, bùn đất… Tất cả kết lại thành từng mảng rất cứng, thậm chí cứng như bê tông cao lên gần bằng mặt cỏ làm cho độ mềm không còn.

BS Dương Phong Nghi cũng cho biết: “Mặt sân cứng là do lực của người chơi bóng giậm mạnh xuống khi chạy, khi tranh bóng, khi trụ nó sẽ bị dội ngược lại vào chân gây nên chấn thương. Chấn thương gối thì ảnh hưởng là dây chằng, sụn chêm. Nếu mặt sân mềm, lực đó sẽ được tiêu hao vào mặt sân”.

Vị bác sĩ chuyên về chấn thương thể thao của BV Parkway Singapore này còn cho biết thêm ông đã chơi bóng đá ở sân cỏ tự nhiên cả chục năm không sao cả. Thế nhưng, khi ông chuyển qua chơi sân cỏ nhân tạo chưa đầy hai năm là lập tức có vấn đề nghiêm trọng về gối. Vị bác sĩ này còn bật mí: “Cũng vì ham thể thao đá banh nên đá sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM gần hai năm cũng phải sang bệnh viện “mẹ” tại Singapore để mổ gối. Và từ nay cạch đến già không chơi sân cỏ nhân tạo kém chất lượng nữa”.

Điều đáng nói là sân cỏ nhân tạo dành cho 11 người nhưng chất lượng mặt sân kém thì nguy cơ chấn thương tăng lên rất nhiều lần. Vì sân lớn, cầu thủ chạy nhiều và chạy nhanh nên lực phản hồi do mặt sân cứng càng lớn rất dễ gây chấn thương nghiêm trọng lên gối. Ngược lại sân năm người vì mặt sân nhỏ, cự ly chiều rộng và chiều ngang không lớn nên không thể chạy nhanh được, nguy cơ chấn thương gối ít hơn.

5/5 (1 bầu chọn)
© 2024, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phương Thành Ngọc. Bảo lưu mọi quyền. Vận hành bởi MK Mate