Skip to content

Thời của sân cỏ nhân tạo

Đã từng có một thời cách đây không lâu, bóng đá phong trào đồng bằng gắn với mặt ruộng vào mùa khô, còn cầu thủ thì đi chân đất. Các danh thủ đồng bằng như Công Minh, Tài Em cũng từng có thời gian dài đá sân ruộng.

THỜI CỦA SÂN CỎ NHÂN TẠO

Sân cỏ nhân tạo thay thế cho sân ruộng

Cuộc sống phát triển, các Hai Lúa đồng bằng nổi danh “chịu chơi” đang đua nhau làm sân cỏ nhân tạo. Liệu sân cỏ nhân tạo thay thế cho sân ruộng có giúp bóng đá đồng bằng nâng cấp theo?

Một thời sân ruộng – chân đất

Cách đây chừng 10 năm, một lần đi công tác ở huyện Châu Thành (Long An),tình cờ tôi ghé xem một giải bóng đá phong trào ở địa phương. Mặt sân là thửa ruộng vừa chớm khô sau vụ gặt. Khung thành là những cây bạch đàn được dựng lên sơ sài, “xà ngang” là 2 đoạn dây chuối buộc vào. Có khoảng 7 – 8 đội bóng tham dự giải. Trong khi 2 đội nào đó thi đấu thì các đội còn lại nghỉ ngơi dưới tàng cây trâm bầu cạnh sân.

Các cầu thủ cũng “quần đùi áo số”, nhưng chân thì mang giày đủ kiểu, có người đá chân đất. Dù là bóng đá sân ruộng, nhưng người xem khá đông. Có một cái tên được người xem nhắc thường là Tài Em. Không ngờ chỉ vài năm sau, Tài Em đã là cầu thủ của đội bóng đá trẻ Long An, rồi đội Đồng Tâm – Long An, rồi Quả bóng vàng Việt Nam.

Đá bóng sân ruộng mỗi năm chỉ được một mùa. Khi mưa đổ xuống, sân đá banh phải trả về cho trồng lúa. Tài Em kể, khi mưa xuống không còn sân đá bóng, các anh phải vượt hàng chục cây số ra thị trấn Tầm Vu chơi cho đỡ ghiền. Cầu thủ trong đồng ra chợ thường bị lép vế, các anh đã cố chơi thật hay để không bị coi thường. Chính cái đức tính “cố chơi tốt hơn khả năng của mình” có từ thời đá bóng sân ruộng đã giúp cho Tài Em bước lên ngôi cao của bóng đá cả nước.

Thời của sân cỏ nhân tạo

Ngày nay, những thiếu niên yêu bóng đá diễm phúc hơn thế hệ của Tài Em nhiều. Từ giã sân ruộng họ bước thẳng lên sân cỏ nhân tạo theo tiêu chuẩn của FIFA. Các sân cỏ nhân tạo đã và đang mọc lên nhan nhản khắp đồng bằng. Chưa có số liệu thống kê, nhưng tôi tin ở đồng bằng hiện có nhiều sân cỏ nhân tạo nhất cả nước.

Trong ngày khai mạc World Cup 2010, khi đi ngang xã Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang),tôi đã bất ngờ khi đám ruộng ngày nào đã được thay thế bằng sân bóng cỏ nhân tạo có tên “World Cup 2010”. Chủ nhân của sân là ông Nguyễn Thanh Tùng, một nông dân chánh hiệu. Ông Tùng bỏ gần 1 tỉ đồng làm sân để những người yêu thích bóng đá trong xã có chỗ tập luyện và để kỷ niệm một kỳ World Cup.

Trước ông Tùng, ở huyện Châu Thành đã có 4 – 5 sân bóng cỏ nhân tạo, còn ở TP.Mỹ Tho con số đó là vài chục, nhiều nhất là ở phường 6. Ở tỉnh Long An nhiều mạnh thường quân cũng mạnh dạn bỏ tiền làm sân bóng đá mi ni. Chỉ riêng xã nông nghiệp An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An) đã có đến 3 sân cỏ nhân tạo.

Tỉnh Bến Tre tuy bóng đá chưa có thành tích gì đáng kể, nhưng nhiều người mê bóng đá cũng đua nhau làm sân mi ni mặt cỏ nhân tạo. Tươm tất nhất là sân Thành Phát (QL60, xã Sơn Đông, TP.Bến Tre),nơi thường xuyên diễn ra các giải đấu cấp thành phố, cấp tỉnh mà chủ nhân là một trong những nhà tài trợ chính.

Nhiều sân bóng ra đời là tín hiệu vui cho bóng đá đồng bằng. Nhiều người chơi bóng hơn, thanh niên bớt nhậu nhẹt, sẽ giúp cho đồng bằng có thêm nhiều Công Minh, Tài Em!

5/5 (1 bầu chọn)  
© 2024, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phương Thành Ngọc. Bảo lưu mọi quyền. Vận hành bởi MK Mate