Chưa bao giờ, các giải bóng đá phong trào lại diễn ra sôi động như thời điểm hiện nay. Khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đâu đâu cũng có thể bắt gặp bóng lăn trên các mặt sân cỏ nhân tạo, thu hút nhiều tầng lớp người dân tham gia. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam, bởi bóng đá phong trào chính là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của bóng đá chuyên nghiệp và chính sân cỏ nhân tạo nâng tầm bóng đá.
“Cơn lốc” sân cỏ nhân tạo
Có một nghịch lý là trong khi các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về mô hình phát triển và thu hút đầu tư, hàng loạt ông bầu “bỏ của chạy lấy người” khiến số lượng các đội bóng mùa này bị sút giảm, thì các sân chơi bóng đá phong trào lại nở rộ. Rất nhiều giải đấu nghiệp dư đã được mở ra, với quy mô và chất lượng ngày càng được cải thiện, và chúng đã phần nào thỏa mãn được nhu cầu của đông đảo người dân.
Một điều dễ nhận thấy là trong vài năm trở lại đây, bóng đá vỉa hè tại các thành phố lớn đã gần như biến mất. Nếu như trước đây, lúc nào cũng có thể bắt gặp các nhóm thanh - thiếu niên chơi bóng dưới lòng đường, vỉa hè, thì nay, hình ảnh đó chỉ còn được thấy ở các công viên, khu vui chơi công cộng. Rất nhiều người đang lựa chọn sân bóng mini cỏ nhân tạo để tập luyện và thi đấu, không đơn thuần chỉ vì an toàn, mà còn bởi họ muốn thể hiện mình ở “đẳng cấp” cao hơn.
Tham khảo một số sân bóng phong trào tại Hà Nội, thấy số lượng người chơi là rất lớn và đa dạng về đối tượng. Đặc biệt là kể từ đầu hè, rất hiếm khi sân không có người thuê. Theo anh Tuấn, quản lý sân Phòng không - Không quân 1 (Hà Nội),thời lượng thuê sân trung bình đạt khoảng 70%. Công suất hoạt động của sân Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh) còn lên đến 80%. Nhiều sân thậm chí còn phục vụ người chơi đến tận nửa đêm.
Phần lớn các sân phong trào hiện nay đều được rải cỏ nhân tạo. Do chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn (khoảng 400 triệu đồng cho một sân 7x7 người) và tốc độ thu hồi vốn nhanh, nên số lượng sân đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Giá cho thuê một sân 7x7 hiện nay trung bình là khoảng 500.000 đồng/trận (90 phút) vào giờ cao điểm (17 giờ đến 20 giờ). Các khung giờ khác trong ngày rẻ hơn. Đây là mức chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người, nhất là những người đã đi làm. Ví dụ, một đội bóng 10 người, thì mỗi người tối thiểu cũng chỉ phải góp 50.000 đồng tiền thuê sân cho một trận. Mỗi tuần chơi 1 - 2 buổi, không đáng là bao cho một niềm đam mê, chưa nói đến việc “đối tác” phải trả tiền sân nếu thi đấu thua, hoặc “chung chi”.
Như vậy, với một đôi giày dùng riêng cho mặt cỏ nhân tạo hoặc thậm chí là… chân đất, bạn đã có thể chơi bóng, giao lưu cùng bạn bè, thoải mái học theo những “tuyệt kỹ” giống của Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi.
Sân cỏ nhân tạo nâng tầm bóng đá
Với việc các nhà đầu tư dần dần chuyển sang sử dụng cỏ nhân tạo sân bóng đá để xây dựng các sân bóng đá tốc độ ra đời của các sân bóng mini cỏ nhân tạo tăng chóng mặt, các giải đấu dành cho đối tượng phong trào cũng dần được quy hoạch và đến nay đang được duy trì tổ chức sôi nổi ở khắp các địa phương. Các trận đấu luôn quyết liệt, hấp dẫn và thực sự trở thành những ngày hội do rất đông khán giả là người nhà tới cổ vũ. Có thể kể ra đây những giải đấu uy tín và tạo ra được sức lan tỏa trong cộng đồng, như Giải Budweiser 6x6, Giải Larue Cup đã được tổ chức tới lần thứ 6 (năm nay thu hút trên 700 đội, từ 16 tỉnh, thành),Cúp Bia Sài Gòn 2013 (hơn 1.000 đội trong cả nước tham dự)… Giá trị giải thưởng của các sân chơi này cũng ngày càng hấp dẫn, từ một chuyến đi Anh, tới trên 100 triệu đồng dành cho đội vô địch.
Chưa dừng lại ở đó, bóng đá phong trào còn vừa “đặt viên gạch” đầu tiên cho quá trình chuyên nghiệp hóa của mình, với việc giải Hà Nội Premier League - Season 1 mới được khai sinh. Giải thi đấu theo thể thức giống hệt V-League (vòng tròn 2 lượt),có lên - xuống hạng đàng hoàng và cũng cho phép chuyển nhượng cầu thủ. Chất lượng giải đấu được các nhà chuyên môn đánh giá cao và khán giả lúc nào cũng đến sân đông kín. Điều này giải thích tại sao vào cuối tuần, không ít người từ chối tới sân Hàng Đẫy xem Hà Nội T&T thi đấu hoặc ngồi theo dõi trực tiếp V-League qua truyền hình. Các fan ruột của bóng đá đều đã ra sân cháy hết mình cùng với bạn bè, đồng nghiệp.